Kiểm toán năng lượng là bước khởi đầu quan trọng trong hành trình xây dựng chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại doanh nghiệp. Thông qua hoạt động này, các tổ chức có thể xác định mức tiêu thụ năng lượng hiện tại, phát hiện các điểm lãng phí và từ đó đề xuất các giải pháp kỹ thuật tối ưu nhằm giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
1. Kiểm toán năng lượng là gì?
Theo Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả năm 2010, kiểm toán năng lượng được định nghĩa như sau: “Kiểm toán năng lượng là hoạt động đo lường, phân tích, tính toán, đánh giá để xác định mức tiêu thụ năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng và đề xuất giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cơ sở sử dụng năng lượng”.
Theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 50002:2015, kiểm toán năng lượng là: “Phân tích một cách hệ thống sử dụng năng lượng và tiêu thụ năng lượng trong phạm vi kiểm toán năng lượng xác định nhằm nhận biết, lượng hóa và báo cáo về các cơ hội cải tiến hiệu quả năng lượng”.

Như vậy, kiểm toán năng lượng là nền tảng để xây dựng chương trình quản lý năng lượng toàn diện và hiệu quả. Dựa trên dữ liệu đo lường và quan trắc, kiểm toán năng lượng phân tích dòng năng lượng trong toàn bộ hệ thống, từ đó đánh giá hiệu suất sử dụng năng lượng theo từng đơn vị, thiết bị, hệ thống hoặc quá trình. Kết quả kiểm toán giúp xác định các cơ hội cải tiến nhằm giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả và mang lại lợi ích về chi phí, môi trường và tài chính.
2. Những doanh nghiệp nào cần thực hiện kiểm toán năng lượng?
Những đơn vị bắt buộc phải thực hiện kiểm toán năng lượng đều thuộc nhóm sử dụng năng lượng trọng điểm theo Nghị định 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm:
Cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên.
Các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra năm trăm tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV (dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5/2025).
>>> Xem thêm: Họp Sửa Đổi Luật Sử Dụng Năng Lượng Tiết Kiệm Và Hiệu Quả Tháng 5/2025
3. Lợi ích khi doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng là gì?
Với thị trường công nghiệp phát triển mạnh mẽ như hiện nay, lợi ích kiểm toán năng lượng mang lại cho doanh nghiệp là rất lớn. Một số lợi ích tiêu biểu của kiểm toán năng lượng có thể kể đến như:
- Là bước đi đầu tiên và quan trọng giúp doanh nghiệp triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng một cách khoa học, hiệu quả.
- Giảm bớt ô nhiễm, phát thải, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
- Giảm chi phí năng lượng, là tiền đề cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo quy định pháp luật.
- Giảm chi phí sản phẩm, chi phí năng lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

4. Các loại kiểm toán năng lượng
Phân loại kiểm toán năng lượng được thực hiện phụ thuộc vào chức năng, quy mô và loại hình của cơ sở sử dụng năng lượng, mức độ chuyên sâu mà cuộc kiểm toán cần thực hiện, cũng như tiềm năng và mức độ tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí mong muốn.
Dựa trên các tiêu chí này, kiểm toán năng lượng có thể được phân thành hai loại là:
- Kiểm toán năng lượng sơ bộ: Sử dụng các dữ liệu sẵn để phân tích đơn giản về việc sử dụng năng lượng và hiệu suất của cơ sở, nhà máy. Loại kiểm toán này không yêu cầu đo lường và thu thập nhiều dữ liệu chi tiết. Kiểm toán năng lượng sơ bộ thường diễn ra trong thời gian tương đối ngắn và kết quả mang tính tổng quát, mang lại cơ hội chung cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Phân tích kinh tế được thực hiện thường chỉ giới hạn trong việc tính toán thời gian hoàn vốn giản đơn.
- Kiểm toán năng lượng chi tiết: Yêu cầu đo đạc và thu thập dữ liệu kỹ hơn. Các hệ thống tiêu thụ năng lượng khác nhau (máy bơm, quạt, khí nén, hơi nước, nhiệt…) được đánh giá chi tiết. Do đó, thời gian cần thiết để kiểm toán dài hơn. Kết quả kiểm toán chi tiết giúp đánh giá chính xác hiệu suất năng lượng và đưa ra giải pháp tiết kiệm cụ thể. Ngoài ra, phương pháp còn phân tích được các chỉ số: thời gian hoàn vốn đơn giản (THV), giá trị hiện tại ròng (NPV), tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR), tỷ lệ lợi ích trên chi phí (B/C)… hỗ trợ quyết định đầu tư.
5. Các bước thực hiện kiểm toán năng lượng
Trình tự thủ tục kiểm toán năng lượng được quy định và hướng dẫn tại Phụ lục III của Thông tư số 25/2020/TT-BCT ngày 29 tháng 9 năm 2020. Nội dung cụ thể của quy trình tương ứng với 06 bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Xác định phạm vi kiểm toán
- Bước 2: Thành lập nhóm kiểm toán
- Bước 3: Ước tính khung thời gian và kinh phí
- Bước 4: Thu thập dữ liệu có sẵn
- Bước 5: Kiểm tra thực địa và đo đạc
– Xác định các điểm đo chiến lược.
– Lắp đặt thiết bị đo.
- Bước 6: Phân tích số liệu thu thập được
– Xác định các tiềm năng tiết kiệm năng lượng.
– Xác định chi phí đầu tư.
– Chuẩn hóa dữ liệu.
– Đảm bảo sự hoạt động bình thường của dây chuyền công nghệ.

Một số câu hỏi thường gặp về Kiểm toán năng lượng
Kiểm toán năng lượng có mang tính bắt buộc không?
Có, việc thực hiện kiểm toán năng lượng là bắt buộc đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả (số 50/2010/QH12) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Kiểm toán năng lượng bao lâu một lần?
Các cơ sở có trách nhiệm thực hiện việc kiểm toán năng lượng 3 năm/lần. Kết quả của quá trình kiểm toán năng lượng là một báo báo kiểm toán gồm các số liệu thực tế, tình hình sử dụng năng lượng của cơ sở đó.
Kiểm toán năng lượng ra đời khi nào?
Việc KTNL đã xuất hiện từ những năm 1970, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Do vậy, ở Việt Nam, vấn đề quản lý năng lượng trong sản xuất và đời sống cũng được quan tâm từ rất sớm.
Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là gì?
Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là cơ sở sử dụng năng lượng hằng năm với khối lượng lớn theo quy định của Chính phủ. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hằng năm.
Các quy định về kiểm toán năng lượng
Một số văn bản pháp luật quy định về kiểm toán năng lượng doanh nghiệp có thể tham khảo:
- Luật số 50/2010/QH12: Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả.
- Nghị định 21/2011/NĐ-CP: Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả.
- Nghị định 73/2011/NĐ/CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về việc sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả.
- Thông tư 09/2012/TT-BCT: Quy định về lập kế hoạch, báo cáo thực hiện các kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
- Thông tư 19/2016/TT-BCT: Quy định mức tiêu hao năng lượng trong công nghiệp sản xuất bia, nước giải khát.
- Thông tư 20/2016/TT-BCT: Quy định mức tiêu hao năng lượng trong công nghiệp thép.
- Thông tư 38/2016/TT-BCT: Quy định mức tiêu hao năng lượng trong công nghiệp nhựa.
- Thông tư 25/2020/TT-BCT: Quy định về lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng
Kiểm toán năng lượng là quy trình không thể thiếu giúp doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu sâu sắc như hiện nay, việc sử dụng năng lượng hiệu quả không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của mọi doanh nghiệp và tổ chức.
Doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về Kiểm toán Năng lượng, vui lòng để lại thông tin liên hệ để VETS | Energy and Environment tư vấn chi tiết.
Liên hệ với chúng tôi
VETS | Energy and Environment là một trong những công ty hàng đầu của Việt Nam, với hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính, tiết kiệm Năng lượng, nhằm giải quyết các thách thức về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hotline: 024 22 33 44 55 | 0816 016 336
Website: www.vets.energy
Email: info@vets.energy
Địa chỉ:
- Tầng 1, Tòa nhà Sông Đà 9, Số 2 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Số 5 Trần Triệu Luật, Phường 7, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh