Chi phí năng lượng chiếm tới 30% tổng chi phí sản xuất, trong khi dư địa tiết kiệm còn rất lớn. Đây là lý do vì sao ngành giấy đang trở thành một trong những trọng điểm trong lộ trình chuyển đổi xanh của công nghiệp Việt Nam. Đồng hành với xu hướng này, VETS | Energy and Environment đã và đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong ngành triển khai các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững.

Ngành giấy tiêu tốn nhiều năng lượng
Ngành giấy là ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng đứng thứ 5 thế giới, chiếm khoảng 4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu mỗi năm.
Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Giấy là 13 – 15%/năm (giai đoạn 2019 – 2024). Cụ thể, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp ngành giấy tăng 10,49%/năm, sản xuất tăng 13,28%/năm, tiêu thụ tăng 5,7%/năm, xuất khẩu tăng 33,64%/năm. Trong đó, các doanh nghiệp ngành giấy tiêu thụ khoảng 5% tổng năng lượng tiêu thụ trong tất cả các ngành công nghiệp, với 3 sản phẩm trọng tâm bao gồm giấy bao bì, giấy tissue, giấy in – viết không tráng phủ. Ngành giấy Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ về năng lực sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, đi cùng đà tăng trưởng là áp lực lớn về chi phí vận hành, đặc biệt là chi phí năng lượng. Theo số liệu khảo sát, đánh giá từ Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam (VPPA), năng lượng chiếm tới 20% – 30% tổng chi phí sản xuất của một nhà máy sản xuất giấy. Mức tiêu hao năng lượng của ngành giấy cao hơn nhiều so với các lĩnh vực sản xuất khác. Trong bối cảnh biến động giá điện, nhiên liệu, cùng các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế về giảm phát thải, doanh nghiệp ngành giấy không thể đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi xanh.
Nhiều giải pháp hỗ trợ ngành Giấy
Ngành giấy đang được ưu tiên hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Nổi bật là Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP 3), do Bộ Công Thương chủ trì. Nhiều doanh nghiệp đã được tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ tài chính và công nghệ để cải thiện hiệu suất năng lượng, chuyển đổi nhiên liệu và giảm chi phí sản xuất. Song song đó, Mạng lưới Hiệu quả năng lượng ngành Giấy do Bộ Công Thương, VPPA và tổ chức GIZ triển khai từ năm 2021 cũng góp phần thúc đẩy doanh nghiệp giảm tiêu hao năng lượng và tác động môi trường.
Bên cạnh các chương trình hỗ trợ, Thông tư 24/2017/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng đã tạo cơ sở pháp lý giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục rà soát và cập nhật định mức để phù hợp hơn với thực tế sản xuất.
Trong vai trò là đơn vị tư vấn được Bộ Công Thương tin tưởng, VETS | Energy and Environment hiện cũng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp trong việc rà soát, cập nhật định mức tiêu hao năng lượng ngành giấy – một trong những nội dung quan trọng trong lộ trình hoàn thiện chính sách chuyển đổi xanh.
Hiệu quả rõ rệt
Hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành giấy, VETS | Energy and Environment phối hợp cùng Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp trọng điểm tìm kiếm giải pháp phù hợp.
Điển hình là Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Tại Vinapaco, các chuyên gia của VETS đã tham gia đánh giá hiện trạng tiêu thụ năng lượng, từ đó đưa ra lộ trình cải tiến phù hợp.

Tại phân xưởng bột của Vinapaco:
- Thay 04 thiết bị trao đổi nhiệt nồi nấu cũ hỏng để giảm tiêu hao hơi.
- Dừng các thiết bị không cần thiết như cánh khuấy để tiết kiệm điện năng.
- Bảo ôn lại đường ống hỏng và tận dụng nước ngưng nóng từ hệ thống chưng bốc để rửa bột, giúp giảm lượng hơi cần thiết trong quá trình gia nhiệt.
Tại phân xưởng giấy:
- Lắp biến tần cho mô tơ cánh khuấy và bể trục bung để điều chỉnh tốc độ động cơ linh hoạt theo nhu cầu vận hành.
- Chuyển đổi quạt hút lề và bơm cao áp sang loại có công suất nhỏ hơn.
- Thay thế động cơ công suất lớn hơn tải định mức bằng động cơ đúng công suất sử dụng, tránh lãng phí điện.
Tại nhà máy điện:
- San tải, ghép tải và thay thế máy biến áp non tải bằng máy có công suất thấp hơn, giúp tăng hệ số công suất.
- Lắp biến tần cho các động cơ có tải thay đổi như bơm và cánh khuấy.
- Tận dụng bộ trao đổi nhiệt cũ và nước ngưng nóng để gia nhiệt nước cấp cho lò hơi.
- Lắp lá chắn điều chỉnh cửa gió cho quạt lò hơi, nâng cao hiệu quả cháy, từ đó tiết kiệm nhiên liệu.
Tại nhà máy hóa chất: Tận thu nhiệt từ nước làm nguội Clo để vận hành bình nước nóng khu vực hóa hơi, nâng cao hiệu suất tổng thể.
Không dừng lại ở các giải pháp kỹ thuật, doanh nghiệp cũng được tư vấn xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018. Đây là bước đi quan trọng đã giúp Vinapaco kiểm soát và tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng toàn doanh nghiệp.
Tiết kiệm năng lượng – Chìa khóa phát triển bền vững
Tiết kiệm năng lượng không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật, mà đã trở thành chiến lược phát triển then chốt đối với doanh nghiệp ngành giấy trong bối cảnh biến động giá năng lượng và áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Những kết quả tích cực từ các mô hình tiên phong như Vinapaco hay Giấy Việt Trì cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn nếu doanh nghiệp quyết liệt đầu tư vào đổi mới công nghệ, cải tiến vận hành và ứng dụng quản lý năng lượng hiệu quả.
Trong thời gian tới, việc tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, cập nhật định mức tiêu hao năng lượng phù hợp với trình độ sản xuất mới, cùng với sự đồng hành của các chương trình hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế và đơn vị tư vấn chuyên môn như VETS | Energy and Environment, sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy ngành giấy chuyển đổi theo hướng xanh, tiết kiệm và bền vững.
Tiết kiệm năng lượng không chỉ là giải pháp tình thế, mà là chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao nội lực, tạo lợi thế dài hạn và đồng hành cùng mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Với vai trò là đối tác đồng hành kỹ thuật, VETS | Energy and Environment cam kết tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ngành giấy nói riêng và ngành công nghiệp nói chung trong hành trình nâng cao hiệu quả năng lượng và phát triển bền vững.