Công cụ Calculator 2050 được Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu vương quốc Anh nghiên cứu, xây dựng, phát triển và đã được công bố lần đầu tiên vào năm 2010.
Tổng quan
Công cụ Calculator 2050 được Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu vương quốc Anh nghiên cứu, xây dựng, phát triển được công bố lần đầu tiên vào năm 2010. Đây là công cụ có khả năng mô hình hóa hệ thống năng lượng của một quốc gia, một địa phương, cả về phía cung và cầu, đồng thời có thể tính toán nhanh phát thải khí nhà kính tương ứng trên cùng một giao diện. Công cụ này giúp cho các nhà lập chính sách, các Viện nghiên cứu, trường đại học, các ngành … khám phá các lựa chọn khác nhau, các cách thức khác nhau mà Vương quốc Anh có thể đáp ứng được các nhu cầu năng lượng trong khi vẫn đạt được mục tiêu giảm 80% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2050 so với mức phát thải năm 1990. Từ năm 2010 đến nay, Vương quốc Anh đã chuyển giao cho gần 20 quốc gia trên thế giới như: Nam Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam … và hỗ trợ các nước này phát triển phiên bản Calculator 2050 phù hợp với điều kiện quốc gia.
Ở Việt Nam, trong năm 2014, được sự hỗ trợ của Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu vương quốc Anh (UK DECC) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ công thương đã chủ trì thực hiện Dự án xây dựng phiên bản Calculator 2050 của Việt Nam. Một nhóm chuyên gia trong nước từ các lĩnh vực khác nhau như: năng lượng, nông nghiệp, giao thông vận tải, kinh tế xã hội, mô hình hóa … được thành lập để tiếp nhận chuyển giao kiến thức và kỹ thuật từ các chuyên gia của UK DECC nhằm xác định đặc điểm, cấu trúc phiên bản Calculator 2050 của Việt Nam. Nhóm chuyên gia đã nghiên cứu, thu thập dữ liệu, thiết lập mô hình Calculator 2050 của Việt Nam dưới dạng Excel và sau đó chuyển đổi sang dạng Webtool.
Các phiên bản công cụ Calculator 2050 của Việt Nam
Việt Nam xây dựng 2 phiên bản của công cụ Calculator 2050: Phiên bản bảng tính Excel và phiên bản trực tuyến, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng.
- Phiên bản Excel: Là các trang tính toán gốc, chứa chi tiết các số liệu đầu vào, đầu ra, cách thức tính toán và kết quả tính toán cho từng modul và cho từng giai đoạn (5 năm) được thể hiện bằng ngôn ngữ Excel. Phiên bản này phù hợp với người sử dụng là các chuyên gia kỹ thuật, các nhà hoạch định chính sách.
- Phiên bản trực tuyến (Web tool): là phiên bản thân thiện với người sử dụng của công cụ Calculator được thể hiện trên nền web. Phiên bản này có các mức độ lựa chọn về cung, cầu về năng lượng và các kết quả tính toán tổng hợp được hiển thị. Phiên bản này phù hợp với các nhà hoạch định chính sách, giới truyền thông, trường học, viện nghiên cứu…
Cách tiếp cận và cấu trúc của công cụ Calculator 2050 của Việt Nam
Cách tiếp cận
Công cụ Calculator 2050 là mô hình định hướng theo cầu, có nghĩa là quy mô nguồn cung sẽ được xác định dựa trên nhu cầu.
- Bước 1: Dự báo nhu cầu năng lượng đến năm 2050 căn cứ vào các giả định kinh tế, xã hội.
- Bước 2: Xác định nhu cầu xây dựng các nhà máy điện, nhà máy lọc dầu …
- Bước 3: Xác định nhu cầu và nguồn cung năng lượng sơ cấp.
- Bước 4: Tính toán các chỉ tiêu đánh giá lượng phát thải khí nhà kính, chi phí của hệ thống.
Calculator đưa ra cách tiếp cận quy hoạch năng lượng thông qua các lựa chọn theo mức độ tăng dần về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và gia tăng nguồn cung cấp năng lượng thân thiện với môi trường. Nhu cầu năng lượng được chia thành 4 mức, tương ứng với mức độ áp dụng tăng dần từ 1 đến 4 của các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tương tự, với khu vực chuyển hóa, 4 cấp độ được xây dựng theo mức độ tăng dần của việc áp dụng các công nghệ các bon thấp, ít phát thải (năng lượng tái tạo, than sạch …)
Cấu trúc
Cấu trúc của công cụ Calculator 2050 của Việt Nam như sau:
Phía cầu (tiêu thụ) năng lương gồm 5 khu vực:
– Lĩnh vực quá trình công nghiệp chia thành các nhóm ngành: Sắt thép, xi măng, giấy và bột giấy, phân bón hóa học, dệt may, chế biến thực phẩm và các tiểu ngành công nghiệp khác.
– Lĩnh vực giao thông vận tải chia thành: Vận tải hành khách nội địa, vận tải hàng hóa nội địa và giao thông khác.
– Lĩnh vực nông nghiệp bao gồm: Đánh bắt cá, tưới tiêu và khác.
– Lĩnh vực thương mại và tòa nhà gồm: Các thiết bị chiếu sáng, điều hòa làm mát không khí và khác
– Lĩnh vực hộ gia đình chia thành: Khu vực nông thôn và thành thị.
Phía cung cấp bao gồm
Các nguồn cung năng lượng sơ cấp và năng lượng cuối cùng với các dạng năng lượng hóa thạch khác nhau (than, dầu, khí đốt), năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, khí sinh học, sinh khối, nhiên liệu sinh học, rác thải, địa nhiệt, năng lượng biển và thủy điện nhỏ, thủy điện lớn và thủy điện tích năng, điện hạt nhân). Tổng cộng có 32 công nghê, trong đó có 12 công nghệ năng lượng tái tạo.
c. Các nguồn phát thải khí nhà kính: Được tính toán và tích hợp từ 5 nguồn phát thải chính từ các hoạt động năng lượng; quá trình công nghiệp; nông nghiệp; chất thải và từ sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và rừng.
Ứng với 4 cấp độ là hàng nghìn lựa chọn, công cụ Calculator có thể giúp các nhà lập chính sách, các nhà sản xuất và sử dụng năng lượng hiểu được một cách rõ ràng kết quả của các lựa chọn mà nó liên quan đến hệ thống năng lượng và phát thải khí nhà kính. Công cụ cũng cho phép mọi người có thể tự phát triển và lựa chọn các cấp độ ứng với các kịch bản khác nhau để đạt được mức phát thải khí nhà kính trong phạm vi mong muốn, đảm bảo hơn về an ninh năng lượng, phát triển bền vững dựa trên các nguồn năng lượng và loại công nghệ sẵn có.
Đặc điểm của công cụ Calculator 2050 của Việt Nam
– Dễ sử dụng – đưa ra các câu trả lời ngay.
– Dễ cập nhật, chỉnh sửa vì được phát triển trên nền công cụ Excel.
– Mở và minh bạch – có thể công bố trực tuyến với tất cả các giả định đã được tài liệu hóa.
– Có thể được sử dụng để thông báo công khai và thu thập các ý kiến của các bên liên quan, công chúng về các kịch bản phát triển, con đường giảm phát thải và thúc đẩy đối thoại chính sách.
Cách thức tiếp cận và sử dụng phiên bản trực tuyến
Truy cập địa chỉ của phiên bản trực tuyến của Việt Nam: http://vietnamcalculator2050.atmt.gov.vn
( Nguồn: ThS. Nguyễn Thị Lê Na – Giảng viên khoa QLCN & NL, Trường Đại học Điện lực)