5 Hiểu Lầm Phổ Biến Về Tín Chỉ Carbon

11 Tháng Bảy, 2025

Khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn xây dựng và triển khai thí điểm thị trường carbon nội địa, khái niệm “tín chỉ carbon” xuất hiện ngày càng nhiều trong các chính sách, diễn đàn và chiến lược phát triển xanh. Song, việc hiểu sai về công cụ này có thể khiến doanh nghiệp lúng túng trong lập kế hoạch, hoặc đưa ra các quyết định sai lệch trong lộ trình giảm phát thải. Dưới đây là 5 hiểu lầm phổ biến nhất và những phân tích để làm rõ bản chất thực sự của tín chỉ carbon.

5 Hiểu Lầm Phổ Biến Về Tín Chỉ Carbon
Tránh các hiểu lầm về tín chỉ Carbon để tận dụng tiềm năng của hành trình Net Zero

Hiểu lầm 1: Tín chỉ carbon “dễ kiếm”

Rất nhiều người tin rằng chỉ cần trồng vài cây dừa, rồi bán tín chỉ carbon là sẽ “ngồi không hái ra tiền”. Tuy nhiên, điều này là chưa chính xác. Đồng ý rằng cây dừa có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon, nhưng chỉ như thế chưa đủ để tạo ra được tín chỉ carbon. Để được công nhận là dự án tín chỉ Carbon, một dự án phải chứng minh được tính bổ sung (additionality)” thông qua hai điều:

  • Hiệu quả giảm hoặc tránh phát thải so với kịch bản nếu không thực hiện dự án.
  • Phụ thuộc vào nguồn thu từ bán tín chỉ, tức nếu không có khoản tiền này, dự án sẽ không khả thi.

Bên cạnh đó, thủ tục giám định dự án còn bao gồm đo đạc, giám sát, thẩm định kỹ thuật và dự án cũng phải đối mặt với rủi ro như rò rỉ carbon hoặc đảo chiều phát thải. Đây là điều mà nhiều người hoàn toàn không đề cập đến.

>>> Xem thêm: Thị Trường Tín Chỉ Carbon: Cơ Hội Và Thách Thức Cho Doanh Nghiệp Việt Nam

Hiểu lầm 2: Tín chỉ carbon chỉ đến từ trồng cây gây rừng

Tín chỉ carbon không chỉ đến từ hoạt động “trồng cây – gây rừng”. Thực tế, tín chỉ carbon có thể đến từ nhiều nguồn và giải pháp. Ví dụ như: Từ năng lượng tái tạo, phương tiện giao thông xanh, xử lý rác thải đến nông nghiệp thông minh…

Ngay cả trong lĩnh vực trồng rừng, giá trị của tín chỉ cũng không chỉ là số CO₂ cây hấp thu. Nó còn bao gồm các lợi ích đi kèm như giữ đất, bảo tồn đa dạng sinh học, chống xói mòn, hỗ trợ sinh kế tại chỗ.

Hiểu làm 3: Mua tín chỉ là có thể đạt Net Zero nhanh chóng

Đây có lẽ là quan niệm sai lầm phổ biến nhất. Nhiều người có suy nghĩ nguy hiểm rằng tín chỉ carbon như là “giấy phép cho phát thải”, chỉ cần mua là được xem như trung hòa carbon. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tín chỉ carbon không nhằm khuyến khích phát thải, mà là một công cụ thúc đẩy giảm phát thải hiệu quả hơn về chi phí.

Hệ thống mua bán tín chỉ carbon được thiết kế để tạo động lực kinh tế cho các đơn vị giảm phát thải vượt chỉ tiêu, đồng thời hỗ trợ các bên khó giảm phát thải tiếp cận nguồn tài chính để đầu tư công nghệ. Theo chuẩn quốc tế như SBTI và ISO 14068‑1:2023, doanh nghiệp phải giảm 90 – 95% lượng phát thải, chỉ được phép bù trừ số còn lại (5 – 10%) bằng tín chỉ chất lượng cao.

Hiểu lầm 4: Tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải là một

Hai khái niệm này gây nhầm lẫn do đều sử dụng đơn vị tấn CO₂e, nhưng bản chất hoàn toàn khác:

  • Tín chỉ carbon: Là sản phẩm từ việc giảm, tránh hoặc loại bỏ khí nhà kính, phát hành trên thị trường tự nguyện hoặc qua hệ thống giao dịch phát thải (ETS).
  • Hạn ngạch phát thải: Là quyền do chính phủ cấp cho doanh nghiệp trong hệ thống ETS, nhằm kiểm soát tổng mức phát thải.

Hiểm lầm 5: Tín chỉ carbon trong và ngoài nước có thể sử dụng thay thế lẫn nhau

Việc doanh nghiệp Việt Nam từng bán tín chỉ CER, VER cho các đối tác quốc tế trong quá khứ khiến nhiều người nghĩ rằng có thể sử dụng các tín chỉ này để tuân thủ các quy định trong nước cũng như toàn thế giới.

Tuy nhiên, theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thị trường carbon nội địa sẽ có các tiêu chí riêng về loại tín chỉ, phương pháp tính toán và kiểm chứng. Những tín chỉ tự nguyện hoặc quốc tế chỉ được chấp nhận nếu phù hợp với hệ thống quy định quốc gia, có sự công nhận của cơ quan có thẩm quyền.

>>> Xem thêm: Cơ Chế CBAM Của EU Và Khuyến Nghị Giải Pháp Cho Việt Nam

Tín chỉ carbon không phải “tiền rơi”, càng không phải tấm vé miễn phí để được phát thải thêm CO₂. Hiểu đúng về nó không chỉ giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả mà còn tránh rơi vào hai thái cực: quá lạc quan hoặc quá hoài nghi. Hãy nhìn nhận tín chỉ carbon là công cụ hỗ trợ cuối cùng, tiếp cận bằng cách minh bạch, nghiêm túc và kết hợp cắt giảm thực chất trước khi dùng đến cơ chế bù trừ. Chỉ như vậy, doanh nghiệp mới thật sự tận dụng được tiềm năng của hành trình Net Zero.

Tham khảo:

https://vneconomy.vn/dang-co-nhung-cach-hieu-lam-pho-bien-ve-tin-chi-carbon.htm

https://baochinhphu.vn/nghi-dinh-ve-phat-thai-khi-nha-kinh-phai-bat-kip-su-thay-doi-trong-nuoc-va-quoc-te-102250324135114259.htm

https://sciencebasedtargets.org/blog/science-based-net-zero-targets-less-net-more-zero