Ngày 25 tháng 9, tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã tổ chức Tọa đàm “Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả (SDNL TK&HQ) trong Công nghiệp: Giải pháp Công nghệ và Tài chính”.
Tọa đàm là cơ hội cho các chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả Năng lượng trong công nghiệp. Tại sự kiện, các giải pháp kỹ thuật và tài chính cho doanh nghiệp, cùng công nghệ tiết kiệm Năng lượng từ các thương hiệu như Daikin, Toshiba, Schneider đã được chia sẻ trong không khí cởi mờ, cầu thị.
Giải pháp trọng tâm:
Ngày 29 tháng 3 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật SDNL TK&HQ. Nghị định xác định vai trò của Kiểm toán Năng lượng (KTNL) trong Công nghiệp. Trong đó, Điều 9 của Nghị định đã chỉ rõ nội dung công việc của KTNL và thời gian nộp báo cáo đến các Sở Công Thương.
“Điều 9. Kiểm toán Năng lượng
- Nội dung kiểm toán Năng lượng bao gồm các công việc chính sau:
- a) Khảo sát, đo lường, thu thập số liệu về tình hình sử dụng Năng lượng của cơ sở.
- b) Phân tích, tính toán và đánh giá hiệu quả sử dụng Năng lượng.
- c) Đánh giá tiềm năng tiết kiệm Năng lượng.
- d) Để xuất các giải pháp tiết kiệm Năng lượng.
đ) Phân tích hiệu quả đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm Năng lượng đề xuất.
- Các cơ sở sử dụng Năng lượng trọng điểm gửi báo cáo kiểm toán Năng lượng đến Sở Công thương trong thời gian 30 ngày, sau khi thực hiện kiểm toán Năng lượng.”
Ngày 29 tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục thực hiện và nội dung báo cáo KTNL.
Chia sẻ về phương pháp KTNL, ông Hỏa Thái Thanh – Kiểm toán viên Năng lượng – Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS | Energy and Environment) nhận định: “Khung chính sách đang hoàn thiện nên các Doanh nghiệp đã quan tâm đến quản lý Năng lượng hơn, nhưng vẫn còn tiềm năng để cải tiến hơn nữa và cần có đơn vị KTNL có kinh nghiệm chuyên sâu tư vấn. Quá trình KTNL cần phải bám sát theo quy trình chuẩn và hướng dẫn của Bộ Công Thương. Trong báo cáo KTNL, các chi tiết như tiềm năng Tiết kiệm Năng lượng (TKNL), phương án Kỹ thuật, lượng tiền tiết kiệm được, khả năng hòa vốn… phải được phân tích cụ thể trong các giải pháp được đưa ra.”
“Trong giai đoạn khó khăn về kinh tế như hiện nay doanh nghiệp nên coi TKNL chính là một giải pháp để giúp giảm giá thành, tăng cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn. Việc thực hiện các giải pháp TKNL cần xem xét không chỉ ở góc độ Kỹ thuật – Kinh tế mà còn cả ý nghĩa bảo vệ Môi trường, các lợi ích phi Năng lượng”: Đại diện VETS | EnE nhấn mạnh.
Về các giải pháp Kỹ thuật, ông Nguyễn Thanh Hà – Chuyên gia Năng lượng, Công ty Cổ phần RCEE – NIRAS cho biết, trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (Chương trình DEPP3), Bộ Công thương phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch tiến hành một số nghiên cứu về Chương trình thỏa thuận tự nguyện (VAS) nhằm khuyến khích SDNL TK&HQ trong lĩnh vực Công nghiệp.
Doanh nghiệp tham gia Chương trình thỏa thuận tự nguyện sẽ nhận hỗ trợ kỹ thuật như tư vấn tiết kiệm Năng lượng, nghiên cứu khả thi và chuẩn bị hồ sơ vay vốn ngân hàng để tiếp cận tài chính xanh, tài chính khí hậu. Các kết quả sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu hao Năng lượng, tuân thủ luật và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Nguyễn Xuân Cảnh từ ngân hàng SHB đã trình bày về Dự án Thúc đẩy tiết kiệm Năng lượng (VSUEE) và cơ chế Quỹ chia sẻ rủi ro RSF, trong đó SHB được chọn làm đơn vị quản lý quỹ RSF. SHB sẽ phát hành bảo lãnh chia sẻ rủi ro cho các khoản vay đầu tư tiết kiệm Năng lượng cho doanh nghiệp và công ty dịch vụ Năng lượng (ESCO).
Dự án Thúc đẩy TKNL trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (World Bank). Dự án được xây dựng nhằm thúc đẩy SDNL TK&HQ trong lĩnh vực Công nghiệp của Việt Nam, góp phần đạt các mục tiêu về TKNL của Chương trình VNEEP3 và cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Tại tọa đàm, đại diện SHB cũng đã chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến quy trình phê duyệt phát hành bảo lãnh chia sẻ rủi ro; nhiệm vụ và lợi ích của Doanh nghiệp Công nghiệp khi tham gia Dự án; cũng như một số ví dụ về các Doanh nghiệp Công nghiệp đã cam kết tham gia Dự án và đã được Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Kỹ thuật.
Các công nghệ tiên phong:
Đại diện Daikin cho biết họ là công ty đầu tiên giới thiệu máy điều hòa và máy bơm nhiệt sử dụng chất làm lạnh R-32 vào năm 2012, đồng thời tiên phong trong việc giảm tác động môi trường của thiết bị.
Ông Nguyễn Phước Hiếu từ Toshiba nhấn mạnh sứ mệnh phát triển sản phẩm công nghệ bền vững, cam kết cung cấp giải pháp kỹ thuật tốt nhất để tạo ra một tương lai xanh, sạch và an toàn hơn. Toshiba tin rằng động cơ điện thế hệ mới sẽ cải thiện hiệu suất sản xuất và xây dựng môi trường kinh doanh bền vững.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng đã lắng nghe giải pháp tối ưu chi phí Năng lượng thông qua hệ thống quản lý Năng lượng thông minh đến từ đại diện Schneider Electric Việt Nam.
Tọa đàm đã thảo luận nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng Năng lượng. Một số ý kiến cho rằng các giải pháp cần vốn đầu tư cao nên cần hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và tổ chức Quốc tế để giảm tiêu thụ Năng lượng và phát thải Môi trường. Cần xem xét các giải pháp không chỉ về kỹ thuật – kinh tế mà còn về bảo vệ Môi trường.
Ý kiến của đại biểu sẽ giúp các chuyên gia hoàn thiện giải pháp tiết kiệm Năng lượng, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp đồng thời hỗ trợ mục tiêu của Chính phủ về tiết kiệm Năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.